CỨU TRỢ ĐỒ KHÔNG CẦN THIẾT - L ê p h ư ơ n g m i n h d u c

XM. Ngày...tháng... năm...

    Trong những ngày tháng khó khăn này , khổ nhất là những thằng ghiền . Dù là ghiền bất kể thứ gì... Vì không dễ ra ngoài tìm kiếm, khổ nỗi những thứ đó lại được đánh giá là không cần thiết mới oái oăm chớ.... Ví dụ như rượu, thuốc lá , trà, cà phê, còn mồi nhậu thì dễ rồi kiếm cái gì mà nhâm nhi chả được .

    Rượu thì cũng có thể dự trữ thoải mái vì chúng chẳng có đát đung ngày tháng gì cả. Khổ nhất là cái anh cà phê, trà ai mà lường trước được đời. Con cô vịt đeo tã nó (ngâm tôm) như người ta hạ thổ rượu bách nhật hơn cả trăm ngày mà chưa chắc được, chửa chắc xong.
Má ơi!... còn cái thằng thuốc lá thì thuộc loại chảnh và khó chịu nhất đấy. Ai mà biết dự trữ cho được, nó mà mốc lên thì có mà ăn cám. Dù là ông bạn thân Hiep Pham có cứu trợ cho 5 trự thì cũng cầm cự được răng ? Thôi thì túng bấn thì thêm sáng dạ... Thuốc hút cũng phải tiếp kiệm nhé. Học những đúc kết của các cao nhân trong giới nhà ghiền là Thuốc ngon tại mẩu... hà hà... vậy thì làm nửa dành nửa, mà tiếp kiệm sao cho tối ưu và điệu nghệ nên một công cụ cái khó chẳng bó được cái khôn ra đời... ha ha ha.... vài ngao thôi nhé rồi để dành....kkk...

 
SAU DỊCH BỆNH THIÊN NIÊN KỶ - L ê p h ư ơ n g m i n h d u c
 

XM. Ngày... tháng... năm...

    Hôm nay bàn về làm kí rì sau dịch bệnh nhân loại? Trước tiên hãy kiếm cho mình một cây kim và cuộn chỉ. Sau đó dùng nó để khâu lại tất cả vật dụng bên mình cho chắc chắn... túi áo quần và những thứ cần thiết. Bao tử thì không khâu được rồi, nhưng với miệng thì cột chặt lại đừng khâu, vì có thể phải sử dụng tới nó. Hãy chắc chắn rằng mình không quên ba dụng cụ cần thiết đó là nón lá, cóng bơ sữa bò (bởi sau ngày Trung Thu tụi trẻ con nó làm đèn xong thì liệng đi nhiều lắm) và một cây gậy nữa nhé. Tới đây thì mọi người hiểu rằng ta phải làm gì rồi.... 

    ....Ồ quên nữa.... mọi người có thấy sau lưng mình phản chiếu một cánh cửa nhỏ có chữ Exit không ? Đó chính là lối thoát hiểm sau khi mọi người đọc xong bài viết này... Để đề phòng khi bị mọi người ném đá cà chua và trứng thúi một cách thô bạo đó.... cảm ơn đã theo dõi
 

XÓM MỚI CHIỀU MƯA THU - L ê p h ư ơ n g m i n h d u c

 

XM. Ngày... tháng... năm...

    Chiều mưa Thu, trời buồn buồn. Chẳng biết nhện có giăng mau hay không như theo lời của một bài hát đã từng nghe không nữa ?
    Nhưng thật ý vị khi nhớ lại những chùm bông gòn bay theo gió năm nao ! Những cái ‘cà ràng’ than hồng nướng ngô, nướng cá mực khô dọc theo phố cũ. Ngồi trước cửa nhà gác chân chữ ‘nghéo’ rung đùi nhìn mấy chị nữ sinh ‘Vinh cu leo’ với những tà áo dài trắng bay trong gió. Nhớ lại những tờ báo Tin Sàng, Trắng Đen, Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ….

    Xóm Mới Lúc đó nhỏ nhỏ thôi . Giải trí thì chẳng có gì. Chỉ có radio. Television có mỗi phim cao bồi , còn lại là ca nhạc, cải lương, hồ quảng, tin tức, thế giới loài vật, Ông thần tháng Tám, đố vui để học…

    Thời đó y tế thuốc men rất đơn giản chỉ là thuốc đỏ, thuốc tím, aspirin ‘búa bổ đầu người’ . Thầy lang thì nhiều lắm : Ông lang tàu ở chợ Xóm Mới sát ngõ chuồng Trâu, Ông lang Tàu Diên An Tố ngã tư Xóm Mới. Ông lang Tàu ở cổng Tân Hưng và Ông lang Dỗ, Ông lang Tàu ở ngay cổng đỏ trước cửa nhà thờ Hà Nội và Ông lang Bé (Hợp Hưng) ở Bắc Dũng, Ông lang Hanh với biển hiệu Thái Hanh và Ông lang Nhạ bên cạnh với tiệm tạp hoá Mai Anh đối diện cổng Bắc Dũng, Ông lang Toạ chuyên về thuốc tễ ở ngã ba nhà đèn…sau này còn có Ông lang Bổng khi nghề kim hoàn của tiệm Kim Anh không còn hưng thịnh nữa....rồi trên chục năm trở lại đây có Ông lang Hoằng (tiệm tạp hoá Tín Đức xưa kia) cùng học chung với mình thời tiểu học Dân An 4....

    Một chuyện thật hay là ngày ấy tôi hay ra nhà thuốc Thái Hanh gặp ông lang Nhân là (ông con) kế nghiệp ông lang Hanh xin chữ về viết những chữ Hán Việt trên các tấm phướn rối cuộn lại để làm pháo cờ như chữ: (Cúng Hỉ Phát Tài. Sinh Ý Lâm Môn, Vạn Sự Cát Tường , Tân Niên Đại Phát...)

    Ông lang Tàu ở đầu ngõ chuồng Trâu hay xuống chơi với ông Lang Nhân (ông con). Ông lang Tàu không rành tiếng Việt mà Ông lang Hanh (con) thì mù tịt về tiếng Tàu nhưng rất thân với nhau .Hai ông lại đều là người giỏi chữ Hán nên nhìn nhau mà gật gật , cười cười đưa tay mời nhau ly nước. Hai Ông chỉ còn cách ‘bút đàm’ với nhau là 'thượng sách'. Mỗi ông một xấp giấy , cây cọ tàu, nghiên mực ngồi bút đàm với nhau mà tâm đắc….

    … Xóm Mới giờ đã lên đèn… ghi vội chỉ sợ ký ức hao mòn theo năm tháng….

    2 tháng 10, 2017

 

CƠM TẤM AN GIANG - L ê p h ư ơ n g m i n h

XM. Ngày... tháng... năm...

   Buổi sáng, người Sài Gòn hay người Miền Nam ngoài cà phê là thức uống đầu tiên trong ngày; thì kế đó, ăn sáng là điều không thể thiếu cho một ngày mới.

    Những ông bạn già của tôi bữa nay lại nổi hứng tìm cơm tấm...

    Một thức ăn sáng độc đáo và rất riêng của dân Miền Nam.

    Từ ngã tư Xóm Mới đi về hướng cầu Tứ Quý, khoảng non cây số là tới ngã ba Nhà Đèn, gần chợ Tử Đình. Rẽ trái bốn năm căn nhà, bên hông môt cái ngõ nhỏ cùng bên là tiệm cơm tấm An Giang.

    Với lợi thế gần chợ, ngã ba, dười tàn lá to, rợp bóng mát của cây Sakê... Tiệm cơm thoáng đãng với màu xanh lá non như muốn mời chào thực khách xa gần đến thưởng thức...

    Cơm Tấm là một món không cầu kỳ nhưng thực tinh tế khi kết hợp nhiều hương vị. Thành phần chính dĩ nhiên là cơm, nhưng được nấu từ những hạt gạo vụn sau khi máy chà xát và sàng lọc. Nhưng ngày nay các máy chà gạo được thiết kế hay hơn nên số lượng tấm chẳng có nhiều. Vì thế cơm tấm bây giờ thường dùng gạo nguyên hạt nấu luôn cho tiện.

    Cái món kết hợp chính với cơm tấm để cho ngon hơn, để quán này hơn quán kia thì phải là nước mắm pha. Bí quyết này chẳng dễ gì được các tiệm cơm có tiếng truyền đạt.

           Nguyên liệu chính để pha là :
          - Nước mắm

          - Nước đun sôi để nguội
          - Đường
          - Tỏi
          - Chanh hoặc giấm
          - ớt

    Khi pha người ta gia giảm làm sao cho ra được nước mắm ngon mới là vấn đề. Theo người viết để có một hương vị độc đáo và ngon thì trước tiên tỏi phải được đập dập rồi băm nhỏ, sau đó thêm đường, ớt và một chút nước trộn đều để trong tủ lạnh 1-2 giờ trước (Các gia vị này ngấm đường sẽ tiết ra dịch nhầy tạo độ sánh và nổi lên trên khi pha thêm nước đun sôi để nguội).

    Lúc này lấy ra ta thêm nước lọc và nước dấm Kiệu cùng củ kiệu muối đã được chẻ làm 5-6 mảnh (đây chính là sự khác biệt về mùi vị so với cách thông thường), nặn thêm một ít chanh cùng nước mắm nguyên chất cho vừa ăn....

    .... Thêm vài cục nước đá nhỏ sau cùng cho có độ sánh và đẹp mắt khi rưới lên trên dĩa cơm.

    Cơm tấm ngoài ăn với sườn nướng còn có bì thính là món du nhập của bà con Bắc 9 nút, chả trứng cũng được thêm vào khi có mặt lính Mỹ ở Miền Nam, trứng ốp la cũng vậy, trứng kho, đôi khi với cả Xíu mại, lạp xưởng tươi (mượn tạm, dùng đỡ) của mấy (chú khách) vùng chợ Lớn.....

    ... Nhưng tất cả các món trên đều không thể quên và thiếu món hành phi tóp mỡ vàng rộm, cà chua sống, dưa leo (dưa chuột), đồ chua gồm củ cải, cà rốt được thái chỉ nhỏ, đôi khi là các cọng rau muống được trộn đều thêm dấm và đường cho dòn. Được phục vụ với bàn tay khéo léo của cô chủ quán.... nói tới đây bỗng thấy rằng cô chủ quán rất tuân thủ nguyên tắc không văn bản rằng: (Bán hàng ăn không bao giờ đeo trang sức)...

    An Giang là tiệm cơm tấm có từ khoảng 20 năm nay. Với cách phục vụ và kinh nghiệm sở trường về món cơm tấm. Món sườn nướng sẽ khêu gợi thị giác, khứu giác vị giác bất kỳ thực khách khó tính nào. Ở đây còn có món trứng kho hột vịt đậm đà và móm bún thịt nướng thơm mùi dầu mè, đậu phộng, thoang thoảng mùi tía tô , húng dũi đến nao lòng. Cám ơn đã cho anh em chúng tôi cảm nhận món ngon rất riêng của Sài Gòn... buổi sáng mát lành khi những tia nắng Hạ chưa kịp săm soi Xóm Mới của chúng tôi...

          6 Tháng 8, 2018 

BÁNH CĂN Ở DỐC NHÀ LÀNG
L ê p h ư ơ n g m i n h

     Buổi sáng sớm, trời man mát , thả bộ một góc hồ Xuân Hương, trên đại lộ Trần Quốc Toản. Qua đài phun nước Đà Lạt đứng lại ngắm nhìn xung quanh thì thật thú vị.

    Ngay góc lối vào chợ và đường Lê Đại Hành mà ta kéo cái ghế đẩu con con. Ngồi thưởng thức ly cà phê hay ly sữa đậu nành nóng bốc khói, lúc mặt trời mới nhú mọc ở cuối hồ phía xa xa kia thì đẹp tuyệt vời.

    Những chùm nắng đỏ len qua kẽ lá của những cây thông. Những chú chim lượn là sát mặt nước hồ. Một làn gió nhẹ mát lành thổi qua thùng ngô luộc bốc khói phả vào cánh mũi.... Ôi ! thật thi vị làm sao.

    Rời khỏi quán cóc đi dọc Lê Đại Hành, hướng về khu Hoà Bình. Bỏ qua Hai Bà Trưng, tới Trương Công Định thì rẽ trái. Ô ! những con đường ở khu này đẹp quá. Những quán xá mọc san sát, lòng đường rất sạch và sẫm màu vì không có cọng rác hay bụi cát. Lối kiến trúc và bài trí mặt tiền nhà ở đây ta cứ ngỡ là những con phố nhỏ cà phê ở Hà Lan vậy.....

    Dài dòng như vậy là muốn vẽ đường cho bạn tới con ngõ đầu tiên ở bên trái kia kìa. Cái ngõ nhỏ bề ngang chỉ một mét rưỡi hay 2 mét mà cũng mang tên đường Nguyễn Biểu đàng hoàng cơ chứ ....

    Đúng thế cái dốc Nguyễn Biểu nhỏ xíu này mà người Đà Lạt đã quen gọi DỐC NHÀ LÀNG cả trên trăm năm nay rồi. Từ hồi phôi thai hình thành Đà Lạt trên cái cao nguyên Lâm Viên như ngày nay. Độ dốc lớn lắm nên đi xuống cũng hơi khó mà đi lên cũng nhọc. Ngay đầu khúc cua phải kia là quán bánh căn cô Chín. Quán nhỏ nhưng luôn đông khách. Bánh căn có 2 loại: trứng cút & trứng gà. Giá 2 loại như nhau 25k/dĩa, mỗi dĩa khoảng 10 bánh. Loại trứng cút mình thích hơn.

    - Này nhé ! gắp thử một miếng bánh căn, một miếng dưa leo nhỏ thôi, một ít đồ chua và ít rau sống. Đưa tay chấm nhẹ vào chén nước mắm, môi chúm chím tê tê, cứ thế mà bỏ cả lên miệng mà thưởng thức, thật là ngon kinh... ha ha ha...cắn thêm miếng ớt hiểm vào mà xuýt xoa, mà ngồm ngoàm.... thế mới đúng điệu. Nhà văn Nguyễn Tuân mà biết thì cũng phải gật đầu tấm tắc khen ngon đấy.

    Quán nhỏ hẻm dốc. Ăn ngon mà giá bình dân. Khách đông nên sẽ phải chờ một lát. Chỉ bán vào buổi sáng. Nước mắm ngon. Cây chả ăn thêm 5 ngàn/cây, Có yagourt phô mai ở mỗi bàn, 7 ngàn/hũ, Ngoài thưởng thức món Bánh Căn, ta có thể nếm thêm tô Bánh Canh Phan Rang chả cá tươi, Các món ăn sáng như Mì Quảng, Bún bò. Phục vụ ăn sáng Chay vào Rằm 15 và Mùng 1.

    Làm một bụng no hai đĩa, thả bộ xuống cuối dốc để ra đường Phan Đình Phùng thì thấy các mợ đang thưởng thức bún riêu... Ha ha... lại thêm một địa chỉ bún riêu ngon tuyệt cú mèo nhé ! bún riêu ăn với rau sống Đà Lạt thì ngon gì bằng. Nhưng thôi.... căng bụng rồi đâu còn chỗ chứa. Hẹn khi khác vậy bà quán nhé...

    4 tháng 5, 2018

PHỞ HUỆ XUÂN - L ê p h ư ơ n g m i n h

XM. Ngày... tháng... năm...
    Sáng sớm ở Xóm Mới mùa này…

    Vào những ngày đẹp trời như hôm nay, đường phố thật sạch và sẫm màu, tương phản với bầu trời trong xanh, làm nổi bật lên dòng người với xe cộ. Bao sắc màu của những bộ quần áo trong ngày mới thật đẹp làm sao… dòng người đông thật đấy, lớp lớp trên những đoạn đường bị kẹt xe kéo dài…

    Thôi thì tiện thể kiếm một tô phở cho ấm lòng vậy. Qụeo vô đường số 9, ngay bên trái đầu ngõ vô khu Thánh Minh Tương Tế xưa. Một tiệm phở bình dân với một tủ phở cùng hai dãy bàn nho nhỏ. Khách khứa lại thật đông. Hai cô bán hàng nhanh nhẹn. Trong thoáng chốc khách hàng đã có một tô phở thơm lừng, nghi ngút khói ở ngay trước mặt rồi.

    Húp chút nước phở đậm đà, phảng phất hương thảo quả, cánh hồi. quế chi, thoang thoảng vị gừng tươi đã làm vị giác người ăn trỗi dậy một cách háo hức. Nước trong vừa phải. Những lát thịt bò được thái điệu nghệ sắp lên trên mặt tô... chúng được điểm thêm vài lát hành tây, ít đầu hành cùng ngò rí và hành lá thái nhỏ. Nhón một miếng chanh vắt lên trên, cho thêm chút tương đen. đỏ rồi dùng đũa và thìa trộn đều. Một mùi thơm đặc vị phở Bắc ngào ngạt bay lên khiến hai cánh mũi không thể chịu nổi mà phải phập phồng theo.

    Cắn miếng thịt nạm chín với ít bánh mà nhai sao lại ngon thế chứ. Mùi thơm của thịt bò hầm nhừ không lẫn vào đâu được. Bánh phở được dùng ở đây là bánh Nam, khác với bánh (phở Bắc mịn và có vẻ nhũn hơn). Viên bò viên nho nhỏ thôi nhưng tuyệt vời ở chỗ chúng là thứ thiệt, chắc và khi ăn cảm thấy sớ thịt mà không bị pha bột.

    Cứ thế làm một lèo nhẩn nha, thư thả, chẳng phải đánh vật với chúng mà đã xong tô phở một cách nhẹ nhàng. Vẫn còn dư âm của vị bò mới tuyệt làm sao....

     - Ngon không bạn....?

     - Bất chợt quá đi vì từ nãy giờ tận hưởng cái ngon của bát phở nên chẳng trả lời được gì, chỉ tóm tắt được hai từ "miễn bàn"

Hôm nào các bạn thử ghé ăn phở Huệ Xuân này xem có đúng như vậy không....?

-------------------------
       5 tháng 10, 2017 

 

                   CON TU BI
 
    XM. Ngày... tháng... năm....
    Buổi trưa, đang ngồi hiu hiu gió mát nơi gốc ổi cạnh bờ giếng đợi ông bà đi chợ về rồi cùng cả nhà ăn cơm… thả hồn mơ mộng… từ hôm gia đình em sang ở cùng ông bà ngoại và các cậu các dì, thấy mẹ vui lắm….
 
    Nhà lá, vách đất trộn với rơm rạ, cốt làm bằng tre. Những ô cửa bằng gỗ. Nền nhà được tráng xi măng đen bóng… trưa hè mà được lau chùi sạch sẽ rồi ngả lưng ra ngủ với chiếc áo (tê-tơ-rông) cũ sờn thì còn gì bằng. Ở sân giữa, trong cái giếng mà ông ngoại nhờ người ta đào, không biết tự đâu ra hay ai đó đã thả xuống một con cá lóc to bằng ngón chân cái. Nó cứ bơi qua bơi lại nhìn mà thích mắt lắm. Con Tu Bi cứ ở trên miệng giếng mà lăng xăng chõ mõm xuống rồi sủa vang…
 
    Thương con Tu Bi lắm, nó là bạn thân của em đấy… nó thuộc giống husky thuần chủng. Con Tubi được một sĩ quan quân đội Mỹ tặng cho cậu em vợ ông ngoại là trung tá Vũ Mạnh Xuân, trưởng quản lý cục quân nhu vùng 4, và được ông cậu này biếu lại cho ông ngoại nuôi nó từ dạo ở khu phố chợ Bắc Hà Củ Chi…
 
    Đang miên man thì ngoài sân trước nhà nhiều tiếng ồn vọng vào, nghe tiếng ông ngoại. Con Tubi sủa vang, chạy ra quấn quít… nhưng nó chựng lại, nó như cảm thấy có điều gì bất thường… ông về mà chẳng thấy bà như thường khi, nó rên ư ử khe khẽ rồi chạy ra chạy vào như muốn tìm kiếm bà. Chờ mong những miếng thịt vụn mà bà đi bán ở chợ còn xót lại đem về cho nó…
     Nghe tiếng ông ngoại hỏi lớn:
 
    - Bà ấy đã về nhà chưa … ? … tao chạy xe tới cổng Hoàng Mai, quay lại thì chẳng thấy bà ấy đâu…??
 
    Mẹ em và các cậu, dì lo lắng…. hằng ngày, giờ này ông ngoại vẫn đón bà ngoại đi bán thịt ở chợ Cây Thị về, mà… sao hôm nay ông về có một mình mà không thấy bà đâu ?
 
    Mọi người đang bàn tán xôn xao thì thấy bóng bà ngoại đi từ trên dốc nhà thờ đi xuống tới nơi, gấm gẳng buông lời:
   
    - Chạy xe gì mà chẳng để ý tới vợ… làm rớt người ta ở Cổ Loa… làm đau muốn chết đây này… mọi người gọi giùm mà vẫn cứ vậy là chạy… mai mốt tôi đi xe Lam (Lambro) chứ không dám nhờ ông nữa đâu.
 

            HOA PHONG DU.

    XM. Ngày... tháng... năm....

    Hôm nay trốn ngủ trưa, theo bọn con Thụy, Thằng hạo ra cánh đồng dính chuồn chuồn. Cái nắng gắt cháy người vậy mà chẳng sợ chi. Mấy đứa cứ hè nhau chôm roi tre của mẹ rồi quyện một ít nhựa ; loại nhựa của những cái đế dép da đã cũ bỏ đi, mà nhiều người gọi là đế kếp. Nó được ngâm với dầu hỏa vài ngày cho mềm và dẻo ra. Chất nhựa này bám rất dính và chắc, nó mà dính vào quần áo thì chỉ có nước mà khóc thôi…

    Thằng con nhà Hạo dẫn đường, vì hôm kia nó đi học về theo lối này thì phát hiện một chỗ nhiều chuồn chuồn lắm. Đi ngoằn ngèo trên những bờ ruộng rau muống rồi cả bọn phải nhảy qua một con mương nhỏ

    - Mày chơi ác thế Hạo, mày qua thì dễ rồi. còn tao với con Thụy thì tính sao đây….
    - Thì tụi bay sắn quần lên mà (nội) chớ sao…

    Con Thụy trề môi…
    - Đúng là dân Nam Định lội mà cứ nội nội nội…
    Đành phải qua thôi chứ biết làm sao bây giờ….

    Hì hì rồi thì cũng (tới La Mã), theo thằng hạo một hồi thì tới tận gần bờ sông… Ôi chao ! đã quá, dưới hàng dừa, quanh những bụi na rừng, vàng óng những sợi tơ hồng biết bao là chuồn chuồn. Con đậu, con bay, con lập lờ theo gió…. Xen kẽ với những cánh hoa phong du (*) lượn lờ đẹp như cảnh thần tiên. Hôm nay hoa phong du bay nhiều quá. Nương theo gió lấn lướt tranh giành mà bám vào áo, vào tóc em…

    Một con chuồn chuồn lửa đậu trên bụi Na rừng (Bình Bát) gần đó, trông nó đẹp quá. Mon men nhích lại gần từng bước.Thò cây roi tre nhè nhẹ. Dính được chú em rồi nhé, vào trong bịch lylon của chị nha cưng…

    … Bỗng nghe tiếng la nho nhỏ từ xa đang đến gần… quay lại thấy thằng Hạo và con Thụy đang cuống cuồng bỏ chạy…
    … Tất bật bỏ cả dép mà chạy theo sau… lòng hậm hực:
    - Chết bỏ sừ mày rồi Hạo ơi ! liều mạng dám dẫn tụi tao qua tận bên Tân Hưng. Tụi nó mà bắt được, đem cột vào ổ kiến lửa cho nó thui thì lúa đời con gái tụi tao rồi còn gì…!!??

    Thằng Hạo quay lại nhe cái răng khểnh ra mà cười: - Ha ha ha……

Tháng 9-2016
(*) bồ công anh (dente de leão)

               XÓM MỚI MÙA HEO MAY

    B í c h l i n h k h a      

    XM. Ngày... tháng... năm....

    Chiều nay, gió heo may lại chợt về với phố thân thương. Gió vui đùa trên con đường đất mà hai buổi em đến trường cùng mấy nhỏ bạn ! Hai bên đường là hàng cây Bông Gòn xanh thưa lá. Những trái Gòn nứt toác, xù bông để cho gió cuốn bay suốt cả con đường.... con đường như sáng lên trong ánh nắng chiều vào Thu. Những chùm bông trắng bám cả vào tóc em ! Rồi chúng lơ đãng bay như chưa hề được lang thang trên những con đường của Xóm Mới....! Cái xóm đã được lập lên bởi các bậc Ông Bà, Cha Mẹ của chúng em quy tụ từ nhiều vùng quê xa xôi mà thành... chẳng biết tự khi nào nhưng khi em lớn lên thì nó đã ở trong tâm khảm em rồi....

    Xóm Mới hôm nay đã dần hình thành lên những dãy nhà tôn vách nứa. Đã được chia thành từng xóm, từng trại. Người ta đã cùng nhau đào cho mỗi xóm một cái giếng để tiện cho việc sinh hoạt cá nhân và gia đình. Buổi chiều các bà, các mẹ đưa con ra đây mà tắm giặt đông vui lắm. Tiếng cười nói, trò chuyện rân ran cả một góc sân. Mấy đứa nhỏ thì vừa tắm vừa trêu ghẹo nhau chí chóe. Chúng hò nhau chơi đùa và leo trèo lên cả những cây mận, cây ổi được trồng gần cái giếng. Thực ra mà nói thì vui nhất cũng chính là nơi bờ giếng. Chỉ ở bờ giếng người ta mới tráng nền bằng xi măng pha với sỏi trắng nhỏ. Cũng tại nơi này người ta trò chuyện với nhau và xả hơi sau một ngày làm việc vất vả.

    Buổi chiều bên bờ giếng là quý lắm.... chỉ lát nữa thôi là trời tối rồi... có khi cả nhà phải quây quần bên mâm cơm với cái đèn Hoa Kỳ bé xíu. Cái mâm đồng mà Ông Nội đem từ ngoài quê vào... bây giờ, chỉ bày ở trên vỏn vẹn một đĩa rau muống luộc. Một chén tương bần được pha thêm chanh và ớt. Thêm ba thanh đậu phụ trắng và một chút mắm tôm... bữa cơm thanh đạm vậy mà ngon lắm. Với em đó là bữa cơm thịnh soạn mà Ba Mẹ chắt chiu , tảo tần kiếm được...

    Ăn cơm vội xong còn rửa chén... Tối nay, ra bờ giếng cùng tụi bạn trong xóm chơi . Đi mang theo cái đèn bão vì ngoài đó trời tối lắm... đám tụi con Duyên, tụi thằng Hạo đã kéo nhau ra đó trước rồi. Hôm nay bọn con trai chơi ác, chúng hùa nhau kể chuyện ma làm em và con Thụy sợ chết khiếp...

    Lẫn trong đám bọn thằng Hạo... một khuôn mặt lạ với ánh mắt trong... như thấu hiểu được nỗi sợ trong em. Khuôn mặt điển trai đó như muốn chia sẻ cảm giác vui vui và ngây thơ của em trước những câu chuyện kể của tụi thằng Hạo. Anh là ai nhỉ? Sao từ trước tới nay mình chưa gặp bao giờ. Bỗng dưng hôm nay lại xuất hiện làm tâm hồn em thấy bâng khuâng. Như cơn gió heo may buổi chiều hôm làm tóc em rối đó.... làm tim em thêm xao xuyến ngẩn ngơ...

16 tháng 8, 2017

                CÔ SẦU

    Một ngày nắng đẹp, bắt chuyến xe buýt từ cầu Bom; theo đường 21 đi lên Nam Định. Qua cầu Đò Quan, theo phố Trần Hưng Đạo, tới ngã tư phố Hàng Tiện. Bên trái là chợ Rồng Nam Định. Ngôi chợ rộng lớn được chia làm hai bên bởi con phố Trần Đăng Ninh chính giữa.

    Ở miền Bắc Chợ Rồng chỉ đứng sau chợ Đồng Xuân ở Hà Nội về qui mô và tầm cỡ của một chợ đầu mối. Tầng dưới người ta kinh doanh các mặt hàng kim khí điện máy. Còn tầng trên dành cho các người kinh doanh vải vóc và quần áo may sẵn...

    Tuyệt nhiên không nhìn thấy các quầy hàng rau, thực phẩm thịt, cá và trái cây... Thắc mắc liền đi hết chợ qua đầu bên kia và rẽ phải.... Ô...! đúng như dự đoán , một ngôi chợ tuy thấp , không tầng lầu nhưng về bề thế chẳng kém cạnh so với người em chợ Rồng ngay bên . Nơi đây buôn bán các loại rau quả, thịt thà, cá mú....

    Các bà tiểu thương nói : Chợ này trước đây là chợ Mỹ Tho., nhưng cũng có chị nói: Đúng ra là chợ có tên là Mỹ Thò sau đọc trại ra là Mỹ Tho. Theo thời gian nhu cầu phát triển. Người ta lại xây thêm ngôi chợ mới bên hông và lấy tên chợ Rồng. Theo phong thuỷ thì ngôi chợ mới được xây trên vị tri đắc địa là ngay trên mắt rồng nên mới lấy tên này đặt cho chợ. Chợ Mỹ Tho hiện nay vẫn còn dùng để bán các ngành hàng thực phẩm.

    Rời chợ Mỹ Tho, thả bộ qua phố Quang Trung mới chợt nhớ từ sáng đến giờ chưa uống được miếng nước nào. Cái khát nó buộc phải ghé vào quán nước chè (người Bắc gọi nước trà là chè) gần đó.

    - Bán cho một cốc chè đi cô quán ơi !

Hết một cốc chè mà vẫn khát lắm...

    - Cô có nước gì mà nâu nâu giống cà phê thế ?

    - À... Nhân Trần đấy bác, bác uống thử nhé ?

    - Uống với đá à... vậy thì cho hai cốc luôn đi.

    - Ngon lắm bác ạ ! nước Nhân Trần ở quán cô Sầu cứ gọi là ngon nhất Nam Định đấy...

    - ....???? cô tên là Sầu à...???

    - Nào phải đâu bác, U60 rồi mà chưa có chồng. Mọi người đặt và cứ gọi mãi thành cái tên luôn

    - cô xinh đẹp, nhanh nhen và duyên dáng làm vậy, nói chưa chồng chẳng ai tin đâu.

    - Cái số làm vậy đấy, chẳng ai dòm ngó...

    - Chứ không phải hồi xưa cô kén ? chắc hẳn tại các anh giai không đủ tiêu chuẩn cứ gì ? Hi hi hi... không sao, mới đây có bà 62 lấy chồng 26 vẫn được nữa là....

    - ứ ừ.... nghe nói vừa lấy nhau xong, bà đòi tổ chức mừng thọ là anh chàng đòi bái-bai kia kìa...

    Phải công nhận, nước Nhân Trần của quán cô Sầu ngon thiệt.

    Xinh đẹp, nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát, vui tính, tướng tá ngon lành vậy mà đến giờ cô Sầu vẫn chưa chồng, vậy thì các anh giai Bắc chẳng biết nhìn người rồi....hi hi hi...